Khuyến Mãi: Lắp Camera Wifi Không Dây Ezviz C1C-B 2MP trọn gói chỉ với 900.000đ . Liên hệ ngay: 0913.010.111 - 02253.795.111

Tại Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước.
Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021 vừa được Chính phủ ban hành.

Hàng loạt tuyến đường giao thông trên cả nước sẽ lắp đặt camera để xử lý lỗi vi phạm

Theo Nghị quyết này, để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5 -10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Cũng tại Nghị quyết 12, Chính phủ đã xác định rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến đường

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị…

Về các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện Đề án ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2019; ban hành và phối hợp với Bộ KH&CN để ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu (CSDL) giao thông vận tải, hệ thống điều khiển giao thông và giao thông thông minh; xây dựng CSDL phục vụ quản lý, điều hành, quố gia cho tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ cho lực lượng Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoàn thành trong năm 2020.

Bộ Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm trao đổi, chia sẻ thông tin với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, ban hành quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải và tổ chức giao thông; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cải tiến Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông được tích hợp các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đồng thời đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp Giấy phép lái xe, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; phối hợp với UBND Hà Nội và TP.HCM thực hiện các Đề án đã được phê duyệt của 2 thành phố về hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…

Kiểm tra nồng độ cồn của tất cả các chủ phương tiện khi tham gia giao thông

Chính phủ yêu cầu Bộ Công an hoàn thiện, trình ban hành quy định về thống kê và chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông; rà soát, hệ thống hóa và sửa đổi, bổ sung để trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải để trao đổi các thông tin phục vụ quản lý nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Bộ Công an còn được giao lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước; xây dựng và vận hành Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông đảm bảo kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác nhằm phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với an ninh trật tự; trước mắt đến năm 2020 triển khai thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM và tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chịu trách nhiệm xây dựng CSDL quốc gia về tai nạn giao thông và vi phạm trật tự an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; kết nối với CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và chia sẻ thông tin với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoàn thành trong năm 2020…

Theo Baomoi.com